Tổng quan các trường phái và phương pháp Phân tích Kỹ thuật
Pink Blockchain xin chia sẻ những khái niệm, những kiến thức, các trường phái và phương pháp Phân tích kỹ thuật (PTKT). Có thể xem đây là những kiến thức sơ đẳng nhất cho trình độ vỡ lòng đối với những người lần đầu tiên bắt đầu tìm hiểu về PTKT.
Có nhiều cách tiếp cận vấn đề khác nhau, ở đây, chúng tôi xin tiếp cận ở góc độ đơn giản nhất. Những vấn đề phức tạp hơn sẽ được thảo luận sâu hơn trong các chuyên đề sau này.
Khái niệm về Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật – Technical Analysis (TA) là các phương pháp nghiên cứu, phân tích sự biến động của giá trong quá khứ và hiện tại dựa vào các biểu đồ nhằm mục đích dự báo các xu hướng giá trong tương lai (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn).
PTKT có thể áp dụng trong nghiên cứu, phân tích giá các loại hàng hóa (vàng, dầu, cà phê, gạo,…), giá các loại cổ phiếu, tỷ giá các loại tiền tệ và các công cụ tài chính khác.
PTKT bao gồm các phương pháp phân tích riêng rẽ (Mô hình nến Nhật, phương pháp Fibonacci, sóng Elliott,…) hoặc tổng hợp các phương pháp lại với nhau.
PTKT có thể sử dụng các dạng biểu đồ khác nhau với các khoảng thời gian khác nhau.
PTKT có thể được tiếp cận dựa trên cơ sở 3 giả định:
- Biến động thị trường phản ánh tất cả (biến động thị trường bao gồm giá, khối lượng giao dịch và số lượng hợp đồng chưa tất toán).
Đây có thể xem là nền tảng của PTKT. Mọi lý thuyết, phân tích khác muốn được chấp nhận thì trước tiên phải hiểu và chấp nhận giả định này. Các nhà PTKT cho rằng bất cứ yếu tố nào có khả năng ảnh hưởng đến giá như tâm lý, chính trị hay các yếu tố tài chính của doanh nghiệp, tổ chức… đều được phản ánh rõ trong giá thị trường. Do đó, có người cho rằng việc nghiên cứu biến động của giá là tất cả những gì ta cần và thực sự không thể phản đối lại ý kiến này.
Trên cơ sở nhận thức chung về việc giá phản ánh những biến động trong cung/cầu. Các nhà PTKT chỉ ra rằng khi giá tăng dù vì bất cứ lý do gì thì cầu phải vượt cung và thị trường tăng giá. Chúng ta cũng đều biết và đồng ý rằng động lực chính của cung và cầu là những yếu tố kinh tế căn bản, chúng làm hình thành nên thị trường giá lên hay thị trường giá xuống, còn đồ thị thì không tự nó làm cho thị trường dịch chuyển lên hay xuống. Đồ thị chỉ có thể phản ánh tình hình thị trường mà thôi.
- Giá dịch chuyển theo xu thế chung.
Khái niệm về xu thế là khái niệm vô cùng quan trọng trong PTKT do đó cần hiểu kỹ về giả định này trước khi muốn tìm hiểu sâu thêm về nó. Mục đích của việc xác lập biểu đồ mô tả những biến động giá trên thị trường là nhằm xác định được sớm những xu thế giá, từ đó sẽ tham gia giao dịch trên cơ sở những xu thế này. Trên thực tế, những kỹ thuật ở đây đều mang tính lặp lại những xu thế giá có từ trước, tức là mục đích của PTKT là nhằm xác định sự lặp lại của những dạng biến động của giá đã xuất hiện trong quá khứ để có thể tận dụng kinh nghiệm và đưa ra những quyết định phù hợp.
Từ giả định này chúng ta còn có một hệ quả là “một xu thế giá đang vận động sẽ tiếp tục theo xu thế của nó và ít khi có đảo chiều”. Hệ quả này rút ra từ định luật 1 về sự vận động của Newton. Nhìn chung tất cả những nghiên cứu nhằm tiếp cận theo các xu thế đều nhằm để đi theo những xu thế giá hiện tại cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều.
- Lịch sử sẽ tự lặp lại.
Phần lớn nội dung của PTKT và việc nghiên cứu biến động thị trường đều phải nhằm vào nghiên cứu tâm lý con người. Chẳng hạn như những mô hình giá, những mô hình này đã được xác định và chứng minh từ hơn 100 năm nay, chúng giống như những bức tranh về đồ thị biến động giá. Những bức tranh này chỉ ra tâm lý của thị trường đang là lên giá hay xuống giá. Việc áp dụng những mô hình này đã phát huy hiệu quả trong quá khứ và được giả định rằng sẽ vẫn tiếp tục có hiệu quả trong tương lai bởi chúng dựa trên phân tích nghiên cứu tâm lý con người mà tâm lý con người thì thường không thay đổi. Như thế giả định này có thể được phát biểu là: “Chìa khóa để nắm bắt tương lai nằm trong việc nghiên cứu quá khứ” hay “tương lai chỉ là sự lặp lại của quá khứ”.
PTKT áp dụng đúng cho các mô hình vi mô thì sẽ áp dụng đúng trong các mô hình vĩ mô.
Lịch sử hình thành Phân tích kỹ thuật
Lịch sử PTKT bắt nguồn từ cách đây hơn 100 năm, từ một nhân vật tên là Charles H. Dow, người đã sáng lập tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal).
Charles Dow và Edward Jones
Sau nhiều năm nghiên cứu, vào năm 1884 ông đưa ra chỉ số bình quân giá đóng cửa của 11 cổ phiếu quan trọng nhất thị trường Mỹ thời bấy giờ. Về sau, William Peter Hamilton là người thực sự mang lại sức sống cho những nghiên cứu của Dow bằng việc tiếp tục nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “Phong vũ biểu thị trường chứng khoán” (The Stock Market Barometer) vào năm 1922.
Suốt những năm 1920 và 1930, Richard W. Schabacker là người đã đi sâu vào những nghiên cứu của Dow và Hamilton, sau đó đã đưa ra khái niệm đầu tiên về Phân tích kỹ thuật. Ông chỉ ra rằng những dấu hiệu mà lý thuyết Dow đưa ra được với chỉ số bình quân thị trường vẫn giữ nguyên giá trị và tầm quan trọng khi áp dụng vào biểu đồ của từng cổ phiếu riêng lẻ. Điều này đã được ông thể hiện và chứng minh trong cuốn sách của ông có tên “Lý thuyết và Thực hành Thị trường chứng khoán, Phân tích kỹ thuật và lợi nhuận trong thị trường chứng khoán” (Stock Market Theory and Practice, Technical Market Analysis and Stock Market Profit).
Như vậy những cơ sở đầu tiên của Phân tích kỹ thuật đã xuất hiện từ trong lý thuyết Dow, nhưng phải đến Schabacker – người cha của Phân tích kỹ thuật hiện đại, tiếp đó là Edward và Magee với “Phân tích kỹ thuật xu hướng chứng khoán” (Technical Analysis of Stock Trend, cuốn sách đã được tái bản 8 lần) và ngày nay là John Murphy, Jack Schwager, Martin Pring, … thì mới thực sự ra đời cái tên “Phân tích kỹ thuật” và được nâng cao, tổng kết thành một hệ thống lý luận quan trọng trong phân tích đầu tư trên thị trường chứng khoán nói riêng và các thị trường tài chính nói chung.
Các trường phái và phương pháp Phân tích kỹ thuật
Có rất nhiều trường phái và phương pháp PTKT khác nhau, nhưng sau đây là những trường phái, phương pháp thông dụng nhất:
- Trường phái, phương pháp phân tích đồ thị nến Nhật (Candlestick Charting).
- Trường phái, phương pháp phân tích nguyên lý sóng Elliott (Elliott Wave Theory).
- Trường phái, phương pháp ứng dụng mô hình đảo chiều (Reversal) và mô hình tiếp tục (continues).
- Trường phái, phương pháp Lý thuyết chu kỳ (Cycle Theory).
- Trường phái, phương pháp phân tích lý thuyết Dow (Dow Theory)
- Trường phái, phương pháp Lý thuyết Hiện tượng Delta (Delta Phenomenon).
- Phương pháp ứng dụng xường xu hướng (Trendline Charting).
- Phương pháp ứng dụng dãy số fibonacci (Fibonacci Series).
- Phương pháp ứng dụng các hệ thống chỉ báo Phân tích kỹ thuật (Technical Indicator).
- Phương pháp ứng dụng điểm Pivot (Pivot Point).
- Phương pháp ứng dụng lý thuyết hộp darvas box của Nicolas Darvas
- Phương pháp đầu tư CANSLIM của Ông William O’Neil
- Phương pháp phân tích của Wyckoff – Wyckoff Analysis
- Phương pháp phân tích giá và khối lượng VSA – Volume Spread Analysis
- Và các trường phái khác…
Vai trò của Phân tích kỹ thuật
PTKT đóng vai trò là công cụ trợ giúp nhà đầu tư với 03 chức năng chính: báo động, xác thực và dự đoán.
- Công cụ báo động: PTKT cảnh báo sự xuyên phá các ngưỡng an toàn gồm hỗ trợ & kháng cự và thiết lập nên các ngưỡng an toàn mới hay nói cách khác là thiết lập mức giá mới thực sự thay vì dao động quanh một mức giá cũ. Đối với trader, việc nhận biết các dấu hiệu về sự thay đổi mức giá càng sớm sẽ giúp cho họ sớm có hành động mua vào hoặc bán ra kịp thời.
- Công cụ xác nhận: Mỗi phương pháp PTKT được sử dụng kết hợp với các phương pháp kỹ thuật khác hoặc các phương pháp phi kỹ thuật để xác nhận về xu thế của giá. Việc kết hợp và bổ trợ lẫn nhau giữa các phương pháp kỹ thuật khác nhau giúp trader có được kết luận chính xác và tối ưu hơn.
- Công cụ dự đoán: Trader sử dụng các kết luận của PTKT để dự đoán giá tương lai với kỳ vọng về khả năng dự đoán tốt hơn. Tuy nhiên như trên đã nói, bản chất của PTKT không phải là dự báo tương lai mà là chỉ thị trạng thái thị trường trong quá khứ với một độ trễ; do đó nếu sử dụng như một công cụ dự đoán nhà đầu tư cần phải tính đến một xác suất an toàn và chấp nhận rủi ro khi dự đoán là không phù hợp. Không ai có thể nói trước tương lai chỉ bằng thông tin trong quá khứ. Tuy nhiên, nhờ có PTKT, khả năng đoán sai do đoán mò hoặc a dua theo đám đông sẽ được hạn chế rất nhiều.
So với phân tích cơ bản (PTCB), PTKT dễ tiếp cận hơn, dễ hiểu hơn và khi áp dụng cho thấy kết quả tức thời và hiệu quả hơn.
- Khi sử dụng PTCB để đánh giá xu hướng giá, rất khó để dự báo giá sẽ tăng hoặc giảm bao nhiêu. Ngược lại khi sử dụng PTKT, chúng ta dễ dàng xác định được các mức cản trên hoặc cản dưới và dễ dàng xác định mục tiêu dừng lỗ hoặc chốt lời khi giao dịch.
- Để ứng dụng PTCB trong xác định xu hướng giá, chúng ta phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, chúng ta phải có nguồn tin nhanh và chính xác, chúng ta phải phân tích và tổng hợp rất nhiều nguồn tư liệu. Trong khi đó, chúng ta chỉ cần một máy tính nối mạng Internet và một phần mềm có các ứng dụng PTKT là có thể giao dịch hiệu quả.
- Khi càng am hiểu về PTKT thì mức độ chính xác trong phân tích sẽ càng cao. Nhưng, chúng ta cần phải kết hợp thêm các nguồn thông tin kinh tế tài chính liên quan (Phân tích cơ bản) để đưa ra quyết định cuối cùng trong giao dịch.
- Khi phải chọn 01 trong 02 phương pháp PTKT và PTCB thì một sự lựa chọn hợp lý là PTKT. Bởi lẽ, PTKT bao hàm cả PTCB, PTKT là công cụ vận dụng trực giác để đưa ra những chiến lược đầu tư dựa trên những mô hình kỹ thuật đã được kiểm nghiệm.
Lưu ý: Khi ứng dụng PTKT, chúng ta nên phân tích trên nhiều biểu đồ với nhiều khoảng thời gian khác nhau. Quan trọng là các khung thời gian: 15 phút (M15), 30 phút (M30), 1 giờ (H1), 4 giờ (H4), 8 giờ (H8), ngày (Daily), tuần (Weekly) và tháng (Monthly).
- Phân tích xu hướng trong ngày thì sử dụng các biểu đồ từ 15 phút đến 4 giờ.
- Phân tích xu hướng ngắn hạn thì sử dụng các biểu đồ từ 4 giờ đến biểu đồ ngày.
- Phân tích xu hướng trung hạn thì sử dụng biểu đồ ngày và biểu đồ tuần.
- Phân tích xu hướng dài hạn thì sử dụng biểu đồ tháng đến biểu đồ năm.
Tính chất của Phân tích kỹ thuật
Trader khi sử dụng PTKT nên lưu ý một số tính chất sau:
- Độ trễ: Khoảng thời gian từ lúc trạng thái thị trường đã xảy ra cho đến khi phép phân tích chỉ ra được trạng thái đó. Trong cùng 1 phương pháp phân tích, số phiên tính toán càng lớn thì độ trễ càng lớn. Trader càng ngắn hạn bao nhiêu thì càng mong muốn độ trễ nhỏ bấy nhiêu.
- Độ nhạy: Sự kịp thời trong phản ánh các biến động của thị trường. Tính chất này ngược lại với độ trễ.
- Độ chính xác: Tính ít sai sót trong phản ánh các biến động của thị trường. Tuy nhiên độ chính xác và độ nhạy lại đối nghịch với nhau.
- Số phiên tính toán: số phiên lấy dữ liệu tính toán cho một giá trị của phân tích. Ví dụ về trung bình động với số phiên lấy dữ liệu là 5 phiên. Trader càng ngắn hạn bao nhiêu thì càng chọn số phiên tính toán càng nhỏ bấy nhiêu.
Dừng việc đốt tiền cho các group trade coin chỉ toàn FUD/ FOMO hay các khóa học không mang lại hiệu quả. Đã đến lúc bạn cần một giải pháp hỗ trợ trade coin chính xác và hiệu quả hơn. Khám phá ngay!
https://pinktrading.io/vi/
Nội dung bài viết, phân tích bao gồm ý kiến cá nhân của tác giả theo điều kiện của thị trường tại thời điểm phân tích. Các nhà đầu tư nên thực hiện nghiên cứu thị trường riêng của mình trước khi tham gia đầu tư. Luôn bám sát dòng chảy dữ liệu của thị trường để có quyết định an toàn và tối ưu. Là một nhà đầu tư bạn luôn hiểu và tự chịu trách nhiệm 100% việc ra quyết định của mình. Thành công là của bạn!
🤜🤛Các kênh thông tin Pink Blockchain:
✅ Website: https://pinkblockchain.com/
✅ Kênh Telegram 1 chiều: https://t.me/pinkblockchain
✅ Group Telegram Mining: https://t.me/joinchat/F5wOVQhK9E1fpFi…
✅ Youtube: https://www.youtube.com/c/PinkBlockchain
✅ Twitter: https://twitter.com/PinkBlockchain
✅ Steemit: https://steemit.com/@vnpinkblockchain
Link bài gốc: https://pinkblockchain.com/tong-quan-cac-truong-phai-va-phuong-phap-phan-tich-ky-thuat/