[Scholarship]: Kỳ 2 - Các thành phần cơ bản khi chuẩn bị hồ sơ học bổng TS
Hiểu về quy trình
Kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu cách chúng ta bắt đầu quá trình săn học bổng bằng việc xây dựng cho bản thân một mục đích rõ ràng https://steemit.com/scholarship/@essimay/scholarship-lam-the-nao-de-chinh-phuc-duoc-hoc-bong-tien-si-ky-1-gioi-thieu-va-tinh-muc-dich.
Khi đã có mục đích rõ ràng, việc tiếp theo của bạn là tìm hiểu học bổng bạn theo đuổi.
Để ứng tuyển bất kỳ học bổng nào, bạn cần một quá trình chuẩn bị lâu dài, có thể 1-2 năm trước khi làm hồ sơ. Do đó, nếu không biết học bổng yêu cầu những gì thì bạn không chuẩn bị tốt được.
Bài kỳ này sẽ đóng vai trò như một bản đồ chỉ dẫn (roadmap) giúp các bạn nhận biết và chuẩn bị dần các bộ phận cấu thành một bộ hồ sơ học bổng, qua đó cũng hiểu được các tiêu chí bạn cần có. Hồ sơ này xây dựng trên nền tảng hồ sơ cho học bổng tiến sĩ, nhưng cũng ứng dụng rất tốt cho các bạn ứng tuyển thạc sĩ.
Trước khi bắt tay xây dựng một bộ hồ sơ học bổng TS, bạn cần biết quy trình apply học bổng như thế nào. Quy trình chuẩn bị học bổng bậc TS ở Úc và New Zealand cần có 2 bộ hồ sơ: một bộ hồ sơ xin nhập học (admission application) và một bộ hồ sơ xin học bổng (scholarship application). Về cơ bản, trước khi bắt đầu xin học bổng của trường, bạn bắt buộc phải xin được offer cho phép nhập học đã. Để có được offer này, bạn cần có hai thứ: (1) bằng chứng về liên lạc với giáo sư hướng dẫn và việc được giáo sư chấp thuận hướng dẫn; (2) thư bày tỏ quan tâm (EOI- Expression of Interest). Như vậy, bạn ít nhất bản đi qua 3 bước:
Bước 1: Xin được thư mời nhập học (invitation to apply)
- Liên lạc với giáo viên hướng dẫn (supervisor)
- Thư bày tỏ quan tâm (EOI)
Bước 2: Xin đồng thuận cho nhập học (admission offer)
Bước 3: Xin cấp học bổng (scholarship offer)
Các bộ phận của hồ sơ xin nhập học (admission application)
Mỗi trường/khoa sẽ có các yêu cầu các bộ phận khác nhau. Do đó, khi vào từng đại học, bạn cần xem tiêu chí chung của đại học (university), rồi vào từng khoa (Faculty) để xem tiêu chí riêng.
Chẳng hạn đây là một phần trong bộ hồ sơ xin nhập học của University of Canberra.
Source: University of Canberra, 2016, Research Degree Admission Application Form.
Còn đây là một phần của Monash University
Source: https://www.monash.edu/graduate-research/future-students/apply
Như vậy, để xin được admission, thì bạn cần có:
(i) Bản kê khai hồ sơ xin nhập học (admission form)
(ii) Bằng cấp, giấy chứng nhận: tất cả bằng cấp của bạn gồm bằng đại học, thạc sĩ, cộng với các giấy chứng nhận các khóa học, lớp tập huấn bạn đã trải qua. Các giấy chứng nhận (certificate) thường là các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn, thâm chí online như coursea.org cũng được tính ở một số trường.
(iii) Bảng điểm (academic transcript) theo từng bằng cấp.
(iv) Đề xuất nghiên cứu (research proposal)
(v) Thư giới thiệu (letter of recommendations)
(vi) CV gồm kinh nghiệm nghiên cứu và xuất bản phẩm
(vii) Kết quả kiểm tra tiếng Anh (English test)
(viii) Các giấy tờ tùy thân gồm:
a. Giấy khai sinh (birth certificate)
b. Hộ chiếu (passport)
(ix) Các giải thưởng, chứng nhận thành tích, học bổng đã nhận
Các bộ phận của hồ sơ xin học bổng (scholarship application)
Thông thường, hồ sơ xin nhập học và hồ sơ xin học bổng sẽ đi kèm với nhau. Vì mỗi hồ sơ này sẽ gồm các phần tương tự nhau. Chẳng hạn đây là các phần của một hồ sơ học bổng tại University of Canberra:
Source: University of Canberra, 2016, Application for Research Degree Scholarship
Chúng ta có thể thấy rằng hồ sơ học bổng gồm là (các phần in đậm là điểm nhấn):
(i) Bản kê khai hồ sơ học bổng (scholarship form): Trong đó gồm các mục khai thông tin, các bài luận theo hình thức hỏi đáp (100-250 từ). Thường các bài luận sẽ sử dụng rất nhiều chất liệu từ mục đích của mình (sense of purpose). Cho nên nếu bạn chưa định hướng rõ mục đích thì sẽ rất khó làm phần này.
(ii) Kinh nghiệm nghiên cứu: Đối với một số đại học, nếu bạn không thể đạt hạng xuất sắc (first-class honour, hay là H1) ở bậc Đại học và Thạc sĩ, thì đây là chỗ bạn có thể gỡ điểm. Bạn cần có các kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện ở: tham gia vào các nhóm nghiên cứu; tham gia, đứng tên, hoặc chủ trì càng tốt các dự án nghiên cứu (research grants); và các dự án bạn đã làm liên quan đến chủ đề đề xuất.
(iii) Các xuất bản phẩm (academic publication): các sách/chương sách và bài báo được phản biện (referred). Mỗi xuất bản phẩm cần điền theo một form riêng (publication form) và có thể phải đính kèm bản scan/photo và đường link (URL, hoặc số hiệu điện tử- DOI) của các xuất bản phẩm này.
(iv) Đề xuất nghiên cứu (Research proposal): có thể có form riêng hoặc bạn tự xây dựng
(v) Chứng nhận các giải thưởng, học bổng đã đạt được
(vi) Đánh giá của các phản biện đối với đề tài thạc sĩ/đại học.
(vii) CV
(viii) Thư ủng hộ của giáo sư hướng dẫn (confidential letter from supervisor): thư chứng tỏ giáo sư đã nhận bạn vào nhóm PhD student họ hướng dẫn nếu bạn được nhập học
(ix) Thư giới thiệu (letter of recommendation): tới từ giáo sư cũ và các sếp cũ
(x) Bản scan/photo của luận văn thạc sĩ/một đoạn văn mẫu (sample writing)
Như vậy, biết mỗi hồ sơ học bổng cần gì bạn sẽ tập trung để chuẩn bị cho từng bộ phận. Việc chuẩn bị cái gì, lúc nào, yêu cầu ra làm sao cần được lên kế hoạch cụ thể, rạch ròi. Khi tất cả các _"nguyên liệu"_ trên đã sẵn sàng, bạn chỉ có việc nấu chúng thôi. Kỳ 3 chúng ta sẽ bàn đến việc chuẩn bị một số nguyên liệu cơ bản. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ.
1-2 năm để chuẩn bị hồ sơ du học, như thế này thì chắc chắn cần phải có sự quyết tâm cao độ anh nhỉ :)
Đúng thế em ạ. Thông thường ít ai tập trung làm mỗi hồ sơ đâu, vì còn phải kiếm sống nữa. Nên hầu như gói gọn vào chữ "tranh thủ", mà tranh thủ cần quyết tâm rất cao. Nhưng thời gian 1-2 năm là tính quãng thời gian thôi, chứ ko phải làm tập trung. Ví dụ ra trường thì cần 2 năm kinh nghiệm. Cũng như thế, nếu em tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghiên cứu thì khi apply PhD sẽ được lợi hơn.
Quy trình làm hồ sơ này mà tự làm đúng là rất kỳ công và tốn rất nhiều tâm huyết, thời gian, tiền bạc vào nó. Nếu thuê công ty tư vấn du học thì phải tới mất vài chục củ. Em đang nghĩ ko biết có nên du học nữa ko đây. :(
Vài chục củ là đến, @lecongdoo3 ạ. Anh được một số công ty tư vấn đã lấy giá tầm 20 củ. Tuy nhiên, nếu em tìm đến các nhà tư vấn cá nhân thì giá giảm đi 1 nửa, hihi.
Bài viết hữu ích lắm bro :D
Thank you man