Tân thế giới: 40 ngày xin Visa (P1) - Tìm hiểu thông tin 📝📝📝

in #vn7 years ago (edited)

5648DE23-A579-4507-BA7D-FB81651B7698.jpeg


1.Chốt lịch trình

Vì mình chỉ chuẩn bị cho chuyến đi trong 2 tháng (trong đó thời gian cho visa chắc chỉ 40 ngày), trong khi thời gian chuẩn bị để có thể đi 3-4 nước Nam Mỹ thông thường phải là 4-6 tháng, theo như mình đọc từ kinh nghiệm của rất nhiều blogger.

Các bạn cũng nên hiểu là mình hoàn toàn là newbie trong du lịch tự túc. Trước khi đi Nam Mỹ, mình chỉ đi ra nước ngoài một lần đó là Thái Lan. Và vì Thái Lan miễn visa cho Việt Nam nên thành ra kinh nghiệm xin visa của mình hoàn toàn là số không. Cho nên, nếu mình có thể xin tất tần tật visa để đi Nam Mỹ trong thời gian ngắn như vậy thì các bạn cũng hoàn toàn có khả năng. Nó phức tạp và có chút khó khăn nhưng không phải là không thể. Mình thậm chí còn kịp thời gian để xin visa Hàn Quốc để du lịch ngay sau khi rời Nam Mỹ và trước lúc về Việt Nam.

Khi quyết định đi Nam Mỹ, mình chỉ có một đất nước “nhất định phải đi” duy nhất đó là Peru, còn lại đều mang tính tuỳ hứng, có cũng được mà không có cũng không sao. Do đó, mình tìm hiểu và ưu tiên lựa chọn các nước hiện tại miễn visa cho Việt Nam như Chile, Ecuador, Cuba, hoặc các nước có thể xin visa lúc đến (arrival visa) như Bolivia, để giảm tải cho công tác chuẩn bị vốn đã quá gấp gáp. Sau khi tìm hiểu, mình chốt hành trình là: Peru - Bolivia - Chile - Argentina (Tuỳ hứng, nếu xin dc visa ở Chile) - Hàn Quốc.

2.Lưu ý về Visa quá cảnh

Ngoài ra, vấn đề quan trọng không kém là visa quá cảnh. Khi mình hỏi các bạn nước ngoài thì tất cả đều nói rằng quá cảnh không cần visa, vì chỉ ở sân bay thì sao phải cần visa. Nhưng không phải. Chính vì sự thiếu hiểu biết của mình về visa quá cảnh này mà dẫn đến vấn đề cực kỳ trầm trọng trong quá trình chuẩn bị. Hầu hết bạn của mình đều ở những nước phát triển, họ không hiểu hoàn cảnh của những người đến từ các nước thuộc thế giới thứ 3 như mình. May mắn là mình đọc được một bài báo về visa quá cảnh và dù hơi muộn nhưng vẫn kịp để điều chỉnh chặng bay lượt về.

Hiện tại hầu như không có chuyến bay nào bay thẳng từ Việt Nam sang Nam Mỹ, nếu có thì cực kỳ đắt đỏ. Mình chọn quá cảnh 2 quốc gia để giảm tải chi phí. Giá vé rơi vào khoảng 25-30 triệu cho vé một chiều. Việc tìm hiểu về visa quá cảnh là cực kỳ quan trọng khi bạn chọn chuyến bay, vì nếu cứ chọn những nước đòi visa khắt khe như Mỹ, Canada hay các nước Châu Âu thì sẽ rất khó cho bạn.

Đó là lý do khi mình thấy có những tuyến bay rất rẻ, mà mình không dám book vì sợ không xử lý được visa quá cảnh. Lượt đi của mình quá cảnh ở Trung Quốc và Canada. Lúc book vé này mình vẫn ngây thơ không biết gì về visa quá cảnh nên mới chọn quá cảnh ở Canada. Lúc biết thì đã book xong rồi, tiền đã thanh toán rồi. Vì thế nên sau đó mới phát sinh vấn đề cực kỳ phức tạp với Tổng Lãnh Sự Canada, vấn đề này mình sẽ nói sau.

Book vé cho lượt về thì thông minh hơn. Chọn quá cảnh ở Tây Ban Nha. Vì đàng nào cũng phải mất một lượt quá cảnh nữa nên mình chọn bay thẳng từ Tây Ban Nha về Hàn Quốc du lịch 10 ngày luôn. Rồi book riêng vé từ Hàn về Việt sau.


B2F2A2F4-A57F-4A1E-91E1-1EA1CF9D517A.jpeg

Sân bay Toronto, Canada


3.Các lựa chọn quá cảnh

Vì thông tin về visa quá cảnh trên internet khá là hạn chế. Nên khi check để book vé, mình luôn phải gọi cho từng đại sứ quán để hỏi liệu rằng mình có cần visa quá cảnh không. Nếu phức tạp quá thì bỏ qua luôn. Chọn tuyến khác. Thông tin từ đại sứ quán luôn là chính xác và rõ ràng nhất.

Ví dụ như Trung Quốc thì nếu mình chỉ quá cảnh dưới 24h và không ra khỏi sân bay thì không cần visa quá cảnh. Hay đối với các nước Châu âu thuộc khối Schengen thì người Việt Nam nếu chỉ quá cảnh ở một nước thì không cần xin visa, nhưng nếu quá cảnh 2 nước thuộc khối này thì phải xin visa loại visitor và quy trình thì cực kỳ phức tạp. Đó là lý do mình chọn quá cảnh ở 1 nước Schengen duy nhất là Tây Ban Nha mặc dù nếu mình chọn quá cảnh 2 nước thì vé rẻ hơn nhiều.

Mà không chỉ vậy, việc free visa quá cảnh ở Tây Ban Nha còn phụ thuộc vào vấn đề di chuyển của bạn giữa các Terminal. Nó còn phải thế này cơ: Nếu bạn chỉ di chuyển để hạ cánh và lên máy bay khác ở T1, T2, T3 thì dc free visa quá cảnh. Nhưng nếu phải di chuyển qua T4 thì phải có visa?!. Do đó bạn cần phải check thông tin này với hãng bay mà bạn book vé.

Thêm một sự lựa chọn mà mình đành ngậm ngùi bỏ qua đó là quá cảnh ở Mỹ. Nếu quá cảnh ở Mỹ thì giá vé cực kỳ rẻ, chỉ khoảng 15-20 triệu. Nhưng mình không thể, vì chỉ đọc về các yêu cầu để xin visa quá cảnh tại Mỹ trong thời điểm hiện tại là mình hết muốn đi luôn, vì quá phức tạp. Phức tạp nhất trong các nước mà mình từng tìm hiểu. Vậy nên bỏ qua.

4.Bình tĩnh trong xử lý thông tin

Chung quy lại, trong 40 ngày ở Việt Nam, mình đã xin visa cho Peru, Hàn Quốc, visa quá cảnh cho Canada, và chuẩn bị sẵn tất cả các giấy tờ để xin visa cho các nước Bolivia, Argentina khi đến cửa khẩu.

Quá trình tìm hiểu về các loại visa là quá trình cực kỳ hoang mang vì nó là cả một biển thông tin về visa, cả tiếng việt lẫn tiếng anh, rối rắm và phức tạp. Yêu cầu này lại link đến yêu cầu khác. Visa nước này link đến visa nước khác. Mới chỉ tìm hiểu thôi đã muốn bỏ cuộc. Vì muốn xin được visa thì mình phải chốt tất cả mọi thứ về lịch trình trước. Mà muốn chốt được lịch trình thì mình phải tìm hiểu về visa trước xem mình có đủ khả năng xin không. Đấy. Kiểu như là một vòng tròn rất luẩn quẩn. Và vì thời gian gấp gáp nên mình lại càng hoảng loạn. Chân thành khuyên các bạn nên bỏ ra nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Đừng như mình.

Quá trình tìm hiểu đã đủ hoang mang. Đến lúc chốt xong và bắt đầu tiến hành thì lại còn hoang mang hơn. Hết vấn đề này đến vấn đề khác nảy sinh. Mình sẽ nói rõ về từng loại visa của từng nước, cách chuẩn bị thủ tục, giấy tờ, các vấn đề mình gặp phải đối với từng loại visa ở phần tiếp theo.


By: @hanggggbeeee

Sort:  

hey enjoyed your pictures
upvoted

Hahaa. Bận quá chưa có time viết đây

Will keep follow your posts for updated information on traveling to South Africa :)

Thanks em, còn thông tin nữa em cần update là how much money you spend on your trip nhá, cái này quan trọng với chị lắm